top of page
Search

CHÀO CỜ HAY KHÔNG CHÀO CỜ?  CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG CHÍNH TRỊ?

  • Trần Thị Bạch Vân.
  • Nov 14, 2016
  • 7 min read

Bài viết của Bà Hạt Cát, Trưởng Ban Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử HĐCH CĐNVQG PHILADELPHIA & PHỤ CẬN NHIỆM KỲ 2017-2020

CHÀO CỜ HAY KHÔNG CHÀO CỜ? CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG CHÍNH TRỊ?

Dạo gần đây, trong tình hình sắp sửa diễn ra cuộc bầu cử Hội Đồng Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Philadelphia và Phụ Cận nhiệm kỳ 2017-2020, đâu đó dư luận có đề cập đến những thành phần trẻ muốn hợp tác làm việc với cộng đồng trong tương lai, nhưng lại mang những quan niệm trái khoấy khó lòng được một cộng đồng tỵ nạn chấp nhận. Trong vai trò một Trưởng Ban Tổ Chức Bầu Cử, có trách nhiệm cứu xét hồ sơ của các liên danh ứng cử, thời gian qua chúng tôi nhận được một vài ý kiến về sự kiện này, nên chúng tôi xin được trình bày quan điểm của chúng tôi, để trả lời chung cho quý đồng hương quan tâm đến vấn đề quan trọng đã nêu.

Từ lâu nay, không ai không mong muốn giới trẻ đem tài năng ra gánh vác việc cộng đồng. Tuy nhiên, có một vấn đề liên quan đến lập trường cá nhân mà không biết vô tình hay cố ý, một số các bạn trẻ đã vướng phải khiến cho việc hợp tác khó thành công. Vấn đề này không chỉ xảy ra trong một cộng đồng nhỏ bé như Philadelphia, mà có thể xảy ra bất cứ nơi nào, nếu như người ta không để ý, không cảnh giác để ngăn chận ngay từ lúc đầu, thì nó sẽ như một vết dầu loang, dần dần nhuộm xanh nhuộm đỏ cả một khối quần chúng.

Không cần phải nói nhiều thì ai cũng hiểu rằng chúng ta có mặt nơi này bởi vì chúng ta không muốn sống dưới một chế độ phi nhân bản, nơi đó tự do, nhân quyền không được tôn trọng vv... Thái độ chọn lựa không muốn sinh sống ở quê cha đất tổ mà phải bỏ xứ ra đi này, chúng ta phải gọi là thái độ đó là gì, nếu không phải gọi đó là một thái độ chính trị? Những quan niệm cho rằng, “đây là một đất nước tự do, cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ "chết", mỗi khi cộng đồng tổ chức một sự kiện nào đó, ai muốn chào cờ thì chào, ai không muốn chào cờ thì thôi, không thể bắt buộc ai phải chào cờ”, lại quan niệm rằng “muốn làm việc với cộng đồng, nhưng không muốn dính líu đến chính trị, chỉ làm từ thiện mà thôi”. xét cho cùng hoàn toàn nghịch lý, mâu thuẫn với nhau.

Thực ra, những người có quan niệm như thế đã không hiểu rằng, bản thân của họ đang hiện diện trên đất nước Hoa Kỳ này, chính là đang thực hiện một hành vi chính trị, cho dù là sang đây từ lúc bé hay là ra đời tại đây, hay đang là một du học sinh. Bởi vì, không ai có thể xóa bỏ nguồn gốc của mình, vốn là dân tộc nào, từ đâu đến và tại sao lại đến đây. Và cộng đồng là gì, tại sao lại có một khối quần chúng tụ tập lại với nhau để thành hình một cộng đồng, nói rõ hơn là một CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA”. Khối cộng đồng "Người Việt Quốc Gia" được thành hình bởi số lượng cư dân tỵ nạn cộng sản tụ họp đông đảo trên nhiều thành phố ở Hoa Kỳ nói riêng, thế giới nói chung. Có một khối cộng đồng như thế tất nhiên cần phải có một bộ phận lãnh đạo để dễ dàng có một tiếng nói chung, dễ dàng thực hiện những sự kiện mang tính cách lưu truyền, bảo tồn những tính chất đặc thù của một dân tộc.

Mà nếu đã là khối quần chúng tỵ nạn cộng sản ngồi lại với nhau để sinh hoạt theo tính chất đặc thù riêng thì không thể nào phủ nhận cái căn cước tỵ nạn của mình, mà biểu tượng của căn cước tỵ nạn người Việt quốc gia tôn trọng chính là lá cờ vàng ba sọc đỏ, những cá nhân đồng ý tham gia vào guồng máy cộng đồng người Việt quốc gia, đương nhiên, dù muốn dù không, không thể đứng ra ngoài tính cách đặc thù đó, và đương nhiên, cũng không thể nói không dính líu đến chính trị, khi muốn tham gia sinh hoạt cộng đồng.

Cũng nên nói thêm rằng, cho dù là bạn chủ trương chỉ làm từ thiện, thì chính cái công việc từ thiện đó, cũng mang một hình thức chính trị rồi. Tại sao ư? Rất dễ hiểu, chính vì bạn mong muốn cải thiện đời sống của con người nói riêng, xã hội nói chung. Đừng chỉ hiểu đơn giản rằng đi diễn thuyết kêu gọi, hô hào quần chúng đứng lên phản đối bất công xã hội hay là tham gia vào guồng máy điều hành một cơ cấu, một thể chế chính quyền mới là làm chính trị, ngay cả một tu sĩ, khi cát ái ly gia trở thành một tu sĩ, thì thái độ muốn trở thành tu sĩ đó, cũng chính là một thái độ chọn lựa mang tính cách chính trị, bởi vậy, cũng đừng nên nói đã đi tu rồi thì không dính líu đến chính trị.

Nói tóm lại, đời sống của mỗi con người trên thế gian này đều bị ràng buộc bởi chính trị, cũng không cần phải giải thích chính trị nghĩa là gì, chỉ nói vắn tắt rằng con người sống trong xã hội ai cũng mong mỏi mình có một cuộc sống ấm no, sung túc, chúng ta phấn đấu để đạt được sự ấm no sung túc đó chính là đang thực hiện một thái độ chính trị. Lại nói thêm về cái căn cước tỵ nạn của Người Việt Quốc Gia, về Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, mà tôi xin gọi vắn tắt là Cờ Vàng. Lá Cờ Vàng không phải là lá cờ riêng của thể chế chính trị Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử 1975 ở Việt Nam, mà lá cờ đó là biểu tượng của cả dân tộc Việt Nam từ một thời xa xưa trước.

Cho dù là lá cờ vàng được thiết kế và sử dụng trong bất cứ trường hợp nào, trong giai đoạn lịch sử, trước thời kỳ cộng sản xâm nhập VN, và chính thể VNCH được thành hình, thì nó cũng vẫn là một biểu tượng của dân tộc VN kể từ năm 1890 (Đại Nam Quốc Kỳ) nói chung, và chính thể VNCH 1955-1975, một chính thể thành hình theo khuynh hướng tự do dân chủ, dù nền tự do dân chủ đó hãy còn non trẻ, có nhiều khiếm khuyết, nói riêng.

http://www.thanhnvt.com/…/la-co-viet-nam-qua-cac-trieu-ai.h…

Kể từ khi phong trào vượt biển, vượt biên đi tìm tự do của người Việt nổi lên, cái duy nhất mà người tỵ nạn mang theo để làm biểu tượng cho nguồn gốc, quê cha đất tổ của mình chỉ có lá cờ vàng. Chính vì thế mà hiện nay đã có nhiều thành phố, nhiều tiểu bang trên toàn nước Mỹ đã thông qua Nghị Quyết Cờ Vàng, công nhận Cờ Vàng là lá cờ Di Sản và Tự Do của cộng đồng Tỵ nạn Việt Nam (Heritage and Freedom Flag), thành phố Philadelphia cũng là một trong những thành phố đã thông qua Nghị Quyết Cờ Vàng, và một Kỳ Đài Tưởng Niệm Việt Mỹ đã được dựng lên sừng sững trong công viên lịch sử của thành phố, thật không khó khăn gì để có thể tìm hiểu tận tường chỉ với vài cái click chuột.

Điều quan trọng là, dù hiện nay trên đất nước Việt Nam không còn chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lá cờ không bao giờ chết, mà trái lại, chính nghĩa cờ vàng đang được vinh danh ngày càng nhiều tại Việt Nam bởi các bạn trẻ, được sinh ra và lớn lên sau năm 1975. Xin các bạn trẻ hãy tìm đọc bài viết về lá cờ vàng của du học sinh Lê Trung Thành, vốn là con cháu của một gia đình thuộc hạng "gộc" ở Huế, sau khi thoát ra khỏi bốn bức tường bưng bít thông tin tối tăm của csvn, em đã tìm hiểu lịch sử, đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của lá cờ vàng như thế nào.

http://nhogikhong.blogspot.com/…/co-vang-3-que-xo-la-le-tru…

Đồng ý rằng đây là một đất nước tự do, không ai có thể bắt buộc ai phải chào cờ, tuy nhiên, chào cờ không phải là một hành vi tùy tiện, làm hay không làm cũng được, mà đó là một bổn phận, một trách nhiệm mà con dân một đất nước phải thi hành, cho nên dù không ai bắt buộc, nhưng đã là một người Việt Nam thì trách nhiệm chào cờ, chào lá cờ vàng ba sọc đỏ, là căn cước tỵ nạn, là biểu tượng tự do, trong những sự kiện mang tính cách cộng đồng, là một trách nhiệm không thể từ chối.

Nói tóm lại, nếu quanh năm suốt tháng bạn đóng cửa, ngồi nhà chơi với vợ con thì không ai có thể xông vào nhà yêu cầu bạn chào cờ, yêu cầu bạn chọn lựa chính trị hay không chính trị, nhưng một khi bạn xuất hiện trong môi trường sinh hoạt cộng đồng, nhất là trong tính cách hợp tác với cộng đồng thực hiện một dự án nào đó, bạn không thể có hành vi, lập trường trái ngược với khuynh hướng chung. Còn nếu như bạn vẫn khăng khăng giữ lấy quan niệm riêng, thì đừng thắc mắc tại sao không ai tin cậy hợp tác với bạn, giao phó công việc cho bạn, dù là bạn sẵn sàng đài thọ phí tổn một cách hào phóng. Không những thế, mà những ai hợp tác với bạn cũng sẽ bị cộng đồng dần dần lánh xa.

Hạt Cát, Nov 14, 2016.

 
 
 
Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Black Square
  • Twitter Black Square
  • Google+ Black Square

© 2023 by Nature Org. Proudly created with Wix.com

bottom of page