QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TẠI PHILADELPHIA & PHỤ CẬN
- Nguyễn Đức Cung
- Oct 23, 2016
- 13 min read

VÀI QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TẠI PHILADELPHIA & PHỤ CẬN
Bài viết của Ông NGUYỄN ĐỨC CUNG.
Cộng đồng một sắc dân vốn là nơi tích lũy của những kinh nghiệm sống, tranh đấu để duy trì cuộc sinh tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa và đời sống tâm linh qua trường kỳ lịch sử nơi xứ lạ quê người. Những quy luật khách quan của cộng đồng thường là mẫu số chung của bất cứ một tập thể nào di cư đến một vùng đất khác, ban đầu với con số ít sau trở nên nhiều, dù gặp những yếu tố thuận hay bất lợi, cũng đều có những đáp số tùy theo khả năng thích ứng và giải quyết công việc của những người lãnh đạo tập thể.
Là những người thuộc nhiều lứa tuổi, rất tha thiết mong muốn được thấy có một Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Philadelphia & Phụ Cận trưởng thành và vững mạnh, xứng đáng góp tiếng nói cùng các cộng đồng quốc gia khác với chính quyền địa phương, chúng ta nhận thấy có thể chia xẻ được với nhau một số quan điểm sau đây liên quan đến việc xây dựng và kiện toàn một Cộng Đồng Người Việt, nhằm thúc đẩy Cộng Đồng vượt ra ngoài những khó khăn, trì trệ hoặc trở ngại của quá khứ để cùng vững bước tiến lên trong tương lai.
1.- Vì sao phải xây dựng một Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia mới ? Trước hết thành phố Philadelphia & Phụ Cận trong lịch sử Hoa Kỳ là một vùng đất chứng kiến rất nhiều sự kiện hình thành nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States of America) nơi bản Hiến Pháp mới do Jefferson soạn thảo và được Quốc Hội Lục Địa Khóa Hai (Second Continental Congress) công bố ngày July 4, 1776 đặt nền tảng cho các thể chế dân chủ qua nhiều hội nghị, là nơi khai sinh của nước Mỹ, và ngày nay tầm quan trọng đó còn tiếp tục được giới chính trị Hoa Kỳ trong hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa củng cố và phát triển. Ngoài yếu tố lịch sử, Thành phố Philadelphia còn hội tụ rất nhiều yếu tố khác liên quan đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cung ứng cho hầu hết mọi sắc dân trong số đó có người Việt Nam chúng ta cơ hội phát triển trong tinh thần yêu thương và hòa ái huynh đệ, bởi vì ngay cái tên Philadelphia còn có nghĩa là “Anh em” (Brotherhood). Được xây dựng cuộc sống trên địa bàn của một thành phố với rất nhiều ưu ái và thuận lợi đủ mọi mặt, Cộng Đồng Người Việt chúng ta phải có đủ năng lực để vươn mình lên trước, nắm lấy các cơ hội thuận lợi để xây dựng cuộc sống tương lai cho mình và con cháu các thế hệ mai sau.
Trong nhiều thập niên qua, dù có mặt tại Thành phố Philadelphia rất sớm, sau ngày 30-4-1975, Cộng đồng Người Việt chúng ta vẫn là những cá thể sống rời rạc, trừ một số gia đình theo Công Giáo hay Phật giáo, Tin Lành là có được sự liên kết tâm linh dưới sự dìu dắt của một vài vị lãnh đạo tôn giáo người Việt. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, với phong trào tị nạn ODP và HO, người Việt Nam tới đây ngày càng đông, sống quần tụ với nhau ở mọi hướng của Thành phố và từ đó tổ chức Cộng Đồng được dựng nên tuy rất còn phôi thai. Tiếng nói của Cộng Đồng chúng ta chưa có sức mạnh bởi lẽ giới trẻ thì lo việc học hành, xây dựng tương lai, lập gia đình, giới lớn tuổi lo làm lụng vất vả để lo cho gia đình. Trở ngại lớn lao nhất là giới đứng tuổi, có học hành đa số được đào luyện trong môi trường tiếng Pháp (formation francaise) ở Việt Nam trước năm 1954 hay trước 1975 nên sống ở vùng đất mới mặc dù được mệnh danh là “đất hứa”, họ không mấy thích hợp nên ít người nuôi chí tiến thủ. Ngôn ngữ (tiếng Anh) đối với họ là một trở ngại trong giao tiếp, mặc dù họ có thể đọc và viết được tiếng Anh, nhưng không có lợi khẩu nên ngại ngùng khi phải nói năng, giao tiếp với người ngoài. Giới trẻ có được thuận lợi hơn vì có cơ hội theo học các trường tiểu học lên tới đại học Hoa Kỳ, nên họ nói năng, sinh hoạt tự tin hơn, xốc vác hơn, và ít mặc cảm hơn. Họ xử sự theo tinh thần Mỹ, am hiểu lịch sử Mỹ nhiều hơn lịch sử Việt Nam, nói tiếng Mỹ sành sõi hơn tiếng Việt, do đó giữa giới trẻ và giới già ngay chính trong gia đình cũng có thể có rất nhiều ngộ nhận, va chạm do khoảng cách thế hệ (generation gap) tạo ra.
Nói ra một vài khía cạnh của cuộc sống người Việt tại Philadelphia, mà cũng là khá phổ biến ở nhiều tiểu bang và thành phố khác khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với những người đi trước hy sinh đứng ra gánh vác công việc của Cộng Đồng trong suốt mấy chục năm nay, một công tác mà đáng lẽ giới trẻ phải thay thế cha anh của mình từ lâu.
Vì tính cách quan trọng của Thành phố Philadelphia và nhất là vì chúng ta - tuy sống trong một quê hương mới với đầy đủ những dự phóng tốt đẹp về tương lai – cũng không để quên mất căn cước của những người tị nạn Cộng Sản.
2.- Quan điểm về một Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia mới. Trước hết xin nêu ra một vài quan điểm về tiêu chuẩn cá tính của những người đứng mũi chịu sào trong Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia mới. Cần phải hiểu như là một vấn đề tiên quyết rằng cộng đồng không phải là chỗ để mua danh, bán lợi nhưng là nơi quy tụ những người có nhiệt tâm làm việc cho cộng đồng, phục vụ đồng hương, sống chết vì danh dự và tương lai tập thể người Việt. Cộng đồng phải là nơi hội ngộ của những con người không phân biệt tuổi tác hay giới tính nhưng có chung một lý tưởng trong sáng đó là biến mình thành những nhân tố tích cực xây dựng tinh thần thương yêu, đoàn kết, bao dung, gắn bó giữa những người cùng có chung một lịch sử dân tộc và một nền văn hóa khai phóng.
Sống trong một đất nước được mệnh danh là “melting pot” (lò nấu chảy) nhưng những người hoạt động cộng đồng cần được kêu gọi giữ gìn bản sắc dân tộc thể hiện qua tiếng nói, chữ viết, phong cách giao tiếp, đường lối ứng xử, bắt chước thói tốt của người, dứt khoát với những lối sống biểu hiện tiêu cực ngoài xã hội. Họ không phải ước muốn trở thành những nhà đạo đức theo khuôn mẫu tôn giáo nhưng đạo sống làm người với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín vốn là nền tảng giá trị đức hạnh của người Việt Nam xưa nay - dù hiện tại có bị chông chênh, nghiêng ngả - vẫn là những nền tảng quý giá mà xã hội con người dù nước nào cũng vẫn tôn trọng, chính là những thôi thúc, níu kéo trong tâm thức của họ.
Những người hoạt động cộng đồng phải có trình độ kiến thức tối thiểu nhất là về phương diện ngoại ngữ để có thể tiếp xúc với chính quyền sở tại và các tổ chức cộng đồng khác, có bản lãnh để ứng phó với các công tác được đặt ra, có khả năng thích ứng với những đột biến và đổi thay của các vấn đề theo đuổi. Tất cả họ phải làm việc trong tinh thần ê-kíp (nhóm) cũng tỉ như một đội banh bóng đá nghĩa là kết hợp nhuần nhuyễn, tiến thoái quy củ như lúc tiến công cũng như khi phòng thủ. Tất cả cũng đều mang một tinh thần trách nhiệm chung trước cộng đồng khi công tác thành công cũng như thất bại. Có kiến thức về lịch sử và văn hóa đất nước ta cũng chính là điều kiện để ta sống gần gũi với cộng đồng ở chung quanh cũng như với quê hương, trong tinh thần chia xẻ, cảm thông và hỗ trợ. Đây là hai phạm trù rất quan trọng bởi vì có hiểu biết lịch sử chúng ta mới tiếp thu được những mách bảo của bài học kinh nghiệm và có chiều sâu hiểu biết về văn hóa dân tộc chúng ta mới có thể tự hào đứng trên những cơ sở vững vàng về tư tưởng, lý thuyết trong lúc hành động.
3.- Một số vấn đề tư tưởng và chủ trương cần minh thị. Đối với người Việt tị nạn Cộng Sản tại Philadelphia và Phụ Cận, lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn luôn luôn là biểu tượng của chúng ta. Lá cờ này đã xuất hiện trên đất nước Việt Nam từ năm 1948 dưới thời Cựu Hoàng Bảo Đại, đã từng cùng lúc phất phới tung bay trên thủ đô Hà Nội, trên kỳ đài hoàng thành Huế, rồi trên thủ đô Sài Gòn, từng đẫm máu biết bao anh hùng liệt sĩ thuộc mọi tầng lớp dân, quân, cán, chính của Quốc Gia Việt Nam, rồi Việt Nam Cộng Hòa và đi theo hang hang lớp lớp những người Việt Nam di tản ra hải ngoại để biểu trưng cho ý chí tự do bất khuất. Từ năm 1975 đến nay chính lá cờ vàng ba sọc đỏ đã tượng trưng hồn nước, thức tỉnh nhân tâm, đánh động lương tâm của đồng minh, bằng hữu, thể hiện ý chí gang thép mà bao dung trong các cuộc đấu tranh, và đây là lá cờ của Di sản và Tự do (Heritage and Freedom Flag) đã được văn bản pháp lý của chính phủ Hoa Kỳ công nhận. Tuy nhiên, sự biểu hiện niềm tôn kính đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ không tránh khỏi có chỗ bị lạm dụng nên cần thiết phải được sửa đổi uốn nắn cho thích nghi với những tình huống của cuộc sống.
Trong con mắt của chúng ta, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia là một cộng đồng hữu thần cho nên các hoạt động của nó hướng đến sự đoàn kết các tôn giáo, tôn trọng các tín điều hay đức tin tiềm ẩn trong giáo lý, nghi lễ, phép tắc, quy trình mục vụ v.v… Chúng ta chống lại các hoạt động của các chính quyền hay tổ chức nhằm đàn áp quyền tự do tín ngưỡng hay đưa ra các đạo luật nhằm hạn chế việc hành đạo của người tín đồ hay tín hữu các tôn giáo.
Nhằm xây dựng một Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia mới, chúng ta chủ trương đề cao các việc làm nhân bản, chống lại các lý thuyết súc vật hóa con người hoặc những chủ trương lạm dụng quá đáng sự tự do hạ thấp giá trị của con người. Các hoạt động bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do khác của con người bắt buộc chúng ta luôn luôn phải có tiếng nói để xác nhận lập trường chân chính của Cộng đồng trước mọi tình huống và nhu cầu đòi hỏi.
Đối với các đường lối, chính sách của chính quyền Cộng Sản Việt Nam, chúng ta đều có nhiệm vụ phải theo dõi vì chúng có liên quan mật thiết đến tiền đồ của dân tộc và một bộ phận khác là người Việt Nam ở hải ngoại. Chúng ta chủ trương chống lại cái xấu, cái ác của chủ nghĩa Cộng Sản thể hiện trong các đường lối, chính sách của nó. Căn tính của người Việt hải ngoại nằm trong căn cước tị nạn Cộng Sản, nghĩa là đối với chúng ta con đường dân chủ, tự do thể hiện khát vọng cháy bỏng của con ngưòi Việt Nam, và khi các thế hệ trước đây chấp nhận mọi sự rủi ro để ra đi tìm đường vượt biên, vượt biển, họ đã chọn cho mình một lý tưởng trong sáng xứng với nhân phẩm con người. Chúng ta tiếp tục sứ mạng đề cao hoặc hỗ trợ các hoạt động nhằm ngăn chận cái ác, cái xấu do chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện tại chủ trương. Cũng cần phải tránh tệ nạn thường có trong Cộng Đồng là tình trạng vu khống, chụp mũ đối với cá nhận hay tập thể bất đồng đôi chút về quan điểm chính kiến đối với chúng ta để duy trì tinh thần đoàn kết.
Đối với các thế hệ trẻ người Việt sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, chúng ta chủ trương một sự dẫn dắc nằm trong các phương án giáo dục nhằm cho họ làm quen với nền văn hóa chân chính của dân tộc Việt Nam, với tinh thần bao dung không nuôi mặc cảm hận thù hay chia rẽ, giúp họ tìm biết sự thật về đất nước, con người và các thể chế từng xuất hiện ở Việt Nam, bởi vì sự thật sẽ giải phóng chúng ta và cả các giới trẻ hiện tại cũng như sau này. Không như một vài cộng đồng người Việt ở một số nơi trên đất nước Hoa Kỳ đã có tình trạng chia rẽ, tình hình cộng đồng người Việt tại Philadelphia cho chúng ta một cái nhìn lạc quan nghĩa là sự đoàn kết giữa các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, các tôn giáo vẫn còn được duy trì tốt đẹp. Chúng ta sẽ biến Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở đây thành một tổ chức nối kết tất cả mọi người lại với nhau qua môi trường tôn giáo, văn hóa và dịch vụ để sự đoàn kết thương yêu là sợi chỉ xuyên suốt các hoạt động của chúng ta.
4.- Dự án của một Cộng Đồng mới và con đường trước mặt. Trước hết, quyết tâm của những người hoạt động cộng đồng là muốn hiện diện trong một Cộng Đồng mới để làm việc và nhất là làm cho được việc. Có nhiều phương án để xây dựng Cộng Đồng, thí dụ một cộng đồng chuyên làm chính trị, một cộng đồng chủ trương làm kinh tế, một cộng đồng chỉ hướng vào các công tác xã hội hoặc một cộng đồng chỉ nhất trí trong các hoạt động văn hóa.
Chúng ta chủ trương một Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tổng hợp bốn phạm trù hoạt động trên đây với những giới hạn tùy nghi và tùy theo khả năng, không ôm đồm một lúc quá nhiều việc, cũng không bỏ lững, buông lơi những sự việc cần làm.
Công tác trước tiên cần phải thực hiện đó là vận động tài chánh phải được coi là công tác huyết mạch của bất cứ một tổ chức nào nhất là tổ chức cộng đồng. Muốn làm được công tác này, ngoài việc cần thiết phải có những người có sáng kiến về kinh tế, tài chánh, năng nổ trong vận động, có sáng kiến, nhất là có khả năng lôi cuốn được nhiều mạnh thường quân yểm trợ bước đầu. Nhưng muốn được yểm trợ, Cộng Đồng phải có những chương trình hợp lý, minh bạch và những hứa hẹn thích đáng khi các vị ân nhân muốn đầu tư tức là muốn giúp đỡ. Không có tài chánh thì chắc chắn không làm được gì hết.
Một trụ sở cho Cộng Đồng. Đây là một công tác cần thiết thứ hai nhưng gai góc khó thực hiện mà từ lâu những người đảm trách Cộng Đồng đã không làm được vì không có khả năng và không có thiện chí để kiếm cho Cộng Đồng một trụ sở làm chỗ tới lui, hội họp những khi cần thiết. Tình trạng “homeless” của Cộng Đồng đã trải qua trên hai mươi năm và nay phải là một vấn đề cần giải quyết ưu tiên. Vì sao?
Trước hết phải nói rằng trụ sở là khuôn mặt của Cộng Đồng, là chỗ giao tiếp của đồng bào, đồng hương, là mái ấm của một đại gia đình nơi xứ lạ quê người. Trụ sở Cộng Đồng cũng phản ánh sức mạnh tinh thần và vật chất của tập thể người Việt tại đây. Những người có trách nhiệm trong việc điều hành Cộng Đồng trước đây đã không chịu nhận thức tầm quan trọng của một trụ sở, cũng như sự cần thiết phải có của nó, một phần họ theo chủ nghĩa đại khái nghĩa là bỏ bớt vấn đề nhiêu khê, phức tạp, tốn kém được bao nhiêu hay bấy nhiêu; điều quan trọng là họ phải có chút đỉnh tiếng tăm trước mặt đồng hương là được rồi. Đó là những cá nhân chỉ mong được kẻ này người nọ biết đến bản thân của họ mà thôi, còn những chuyện khác họ coi nhẹ. Bởi thế mà từ lâu Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Philadelphia không có lấy một miếng đất cắm dùi, trong khi các cộng đồng bạn như Campuchia, Lào, Hmong có trụ sở hẳn hòi. Trụ sở Cộng Đồng sẽ là nơi gặp gỡ của mọi giới đồng hương, là chỗ trao đổi tâm tình ấm lạnh, là nơi cập nhật hóa mọi loại tin tức, là trung tâm văn hóa thu nhỏ của tập thể người Việt Nam tại thành phố lịch sử này.
Công tác thứ ba của những người điều hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia mới là nỗ lực làm trung gian tiếp xúc tạo công ăn việc làm (tìm việc) cho đồng hương theo khả năng cá nhân. Phải có một ủy ban chuyên môn tìm việc cho cộng đồng người Việt và đây là một vấn đề thiết thực lợi ích và cụ thể nhất. Một chương trình hoạt động cụ thể sẽ được nghiên cứu sát với thực tế địa phương và nhu cầu của tập thể cộng đồng, chẳng hạn chỗ cư trú cho người lớn tuổi (housing program) hoặc các công tác chú trọng đến thế liên kết với các tổ chức cộng đồng bạn, sẽ được dự trù và đưa ra trong tương lai.
Một công tác khác cần chú tâm là mời gọi giới trẻ tham gia vào các sinh hoạt của Cộng Đồng và từng bước huấn luyện họ trở thành những người nối tiếp công việc của chúng ta hôm nay, đó là đào tạo một tầng lớp lãnh đạo trẻ có đủ khả năng và tinh thần để làm việc cho tập thể người Việt ở đây.
Nói chung, một kỷ nguyên mới đang mở ra cho Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại thành phố Philadelphia với nhiều thuận lợi với điều cần thiết là chúng ta sẵn ý thức đúng thời điểm và nắm lấy cơ hội.
Ca dao Việt Nam tự ngàn xưa từng có câu: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
Một triết gia Hy Lạp, Aristote (384-322 B.C) cũng có nói: “Người ta đến với nhau trong các thị tứ để sinh sống: họ quây quần với nhau để sống một cuộc sống tốt đẹp” (Men come together in cities in order to live: they remain together in order to live the good life.)
Ước chi câu ca dao Việt Nam và lời nói của triết gia nổi tiếng trên đây mở ra cho chúng ta, Cộng Đồng Việt Nam, một hướng đi tốt đẹp đó là “đoàn kết để phát triển.”
NGUYỄN ĐỨC CUNG Philadelphia 23-10-2016